Thứ Hai, 15 tháng 10, 2007

Lịch Việt Nam: hiểu thế nào cho đúng ?

(VietNamNet) - Các cơ quan hữu quan đã để nhiều cuốn lịch vạn niên dịch từ lịch Trung Quốc xuất hiện trên thị trường mà không thông tin đầy đủ với độc giả, điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

LBT- Sau khi VietNamNet đăng tải bài tường thuật Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo" chúng tôi đã nhận được bài viết bày tỏ quan điểm của ông Trần Tiến Bình hiện đang làm việc tại Ban lịch Nhà nước. Xin giới thiệu cùng độc giả.

>Nên bỏ cơ chế "Xin - Cho" số liệu lịch
> Lịch 2007: Các NXB đang mò mẫm và tự bảo vệ mình
>
Lịch 2007: Các tiết Trung Hoa được Việt hoá như thế nào?
> Lịch bloc 2007: Tự do hay "Cá lớn nuốt cá bé"?
> Không thể tuỳ tiện trong cách tính lịch
> Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo"?

Soạn: AM 876381 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Trần Tiến Bình (trái)

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến trên báo chí, trên mạng internet, thậm chí có cả thư gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Âm lịch ở nước ta. Điều này dễ hiểu bởi vì lịch là một hệ thống, tổ chức ghi chép thời gian dùng cho cả một cộng đồng dân cư hoặc toàn quốc gia nên bất cứ một sự trục trặc nào cũng gây ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Mặt khác lịch Âm Dương Việt nam (thường gọi là Âm lịch) đã gắn bó với dân tộc ta từ hàng nghìn năm nay, giữ một vai trò đặc biệt trong văn hoá cổ truyền của dân tộc, cả trong sinh hoạt đời sống thường nhật lẫn trong các thực hành Cổ phương Đông học khác nhau.

Các ý kiến phản ảnh khác nhau của độc giả tập trung quanh một số điểm sau:

- Sự chênh lệch số liệu trong các ấn bản phẩm về lịch lưu hành trong nước.
- Nghi ngờ về sự tồn tại của một lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc.
- Sự hiểu biết không thống nhất về Âm lịch và nghi ngờ về tính đúng đắn của Âm lịch do cơ quan Nhà nước soạn.

Sau đây là ý kiến của chúng tôi về các vấn đề trên.

Cơ sở pháp lý và khoa học của lịch Việt Nam:

Trong lịch sử do các nguyên nhân khác nhau mà ở Việt Nam nhiều lần đã tồn tại một lịch khác với lịch Trung Quốc. Riêng giờ pháp định ở nước ta (hay ở từng miền) đã bị thay đổi tới 10 lần trong thế kỷ 20 tuỳ theo ý định của nhà cầm quyền, có lúc nhà đương cục quy định múi giờ 7, có lúc lấy múi giờ 8 và thậm chí còn lấy cả múi giờ 9 (khoảng thời gian ngắn sau khi Nhật đảo chính Pháp). Việc quy định múi giờ được bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1906, lúc chính quyền Pháp xây xong Đài Thiên văn Phủ Liễn, và đến ngày 1 tháng 5 năm 1911 thì các nước Đông Dương dùng chung múi giờ 7 sau khi nước Pháp ký hiệp ước quốc tế về múi giờ. Lần cuối có sự chuyển đổi về múi giờ xẩy ra ở nước ta là ngày 13 tháng 6 năm 1975, khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra quyết định miền Nam trở lại múi giờ 7 thống nhất trong cả nước.

Hiện tại cơ sở pháp lý cho lịch Việt Nam là Quyết định số 121/CP do Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 8/8/1967 (bắt đầu có hiệu lực từ năm 1968 và mới đây đươợc tái khẳng định trong Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 do Phó Thủ tơướng Phạm Gia Khiêm ký). Theo Quyết định trên thì giờ chính thức ở Việt Nam là múi giờ thứ 7 và Âm lịch dùng ở nước ta là Âm lịch được tính toán theo múi giờ chính thức này. Đây là quyết định sáng suốt của Chính phủ trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, việc chọn múi giờ 7 là hoàn toàn chính xác về mặt khoa học vì hầu hết đất liền nước ta nằm dọc theo múi giờ 7, tức kinh tuyến 1050 đông đi qua gần Hà Nội.

Tại sao lịch Việt Nam khác với lịch Trung Quốc?

Lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc được tính theo cùng một quy tắc và chỉ khác nhau ở múi giờ tham chiếu, cụ thể quy tắc đó được phát biểu như sau:
1. Ngày đầu tháng là ngày Sóc (Không Trăng).
2. Năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng.
3. Ngày Đông chí luôn rơi vào tháng 11.
4. Trong năm nhuận tháng không có Trung khí là tháng nhuận. Nếu trong năm nhuận có 2 tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí được coi là tháng nhuận.
5. Tính toán dựa trên kinh tuyến pháp định (ở Việt Nam là 105 độ đông và ở Trung Quốc là 120 độ đông).

Dựa trên quy tắc này và áp dụng các mô hình thiên văn hiện đại thì bất cứ ai có kỹ năng lập trình đều có thể tính chính xác lịch Âm Dương Việt Nam hay Trung Quốc đang lưu hành hiện nay. Cần phải dùng các mô hình tính toán thiên văn phù hợp vì việc tính lịch được quy về bài toán xác định chính xác vị trí của Mặt trăng và Trái đất trên quỹ đạo vốn luôn bị ảnh hưởng nhiễu loạn từ các hành tinh khác, nhiều lúc chỉ lệch một vài phút cũng cho kết quả lịch hoàn toàn sai.

Chính múi giờ pháp định khác nhau đã tạo nên sự chênh lệch giữa hai lịch, chẳng hạn ta lấy điểm Sóc rơi vào 23 giờ 14 phút ngày 17 tháng 2 năm 2007, đây chính là mồng 1 tết Đinh Hợi sắp tới ở Việt Nam, nhưng thời điểm này ở Trung Quốc đã sang ngày hôm sau và vì vậy tết Nguyên đán của hai nước lệch nhau 1 ngày. Ngày đầu tháng khác nhau đã làm cho lịch hai nước khác nhau cả tháng tiếp theo từ 17/2 đến 18/3/2007 và hai tháng liền kề (tháng chạp và tháng 1) có độ dài thiếu đủ khác nhau.

Với tiết khí cũng như vậy, cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc đều có cùng một định nghĩa: Thời điểm bắt đầu một Khí (Tiết khí hay Trung khí) là thời điểm mà Hoàng kinh biểu kiến (Apparent Longitude) của Mặt trời bằng 00, 150, 300,…,3450, tương ứng với các tiết Xuân phân, Thanh Minh, Cốc vũ… Kinh trập. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ngày chuyển tiết ở lịch Việt Nam và Trung Quốc giống nhau, chẳng hạn vào năm 2007 thời điểm chuyển tiết Hàn lộ và Tiểu tuyết rơi vào 23 giờ 12 phút ngày 8 tháng 10 và 23 giờ 51 phút ngày 22 tháng 11 theo giờ Việt Nam và như vậy sẽ lệch với tiết khí của lịch Trung quốc 1 ngày (tiết Hàn lộ và Tiểu tuyết của lịch Trung Quốc sẽ là 9/10 và 23/11).

Tiết khí có định nghĩa khoa học chính xác và là một phần cấu thành không thể thiếu của Âm lịch, mọi sự "thay đổi, cải tiến tiết khí" vô hình chung sẽ phá vỡ Âm lịch mà chúng ta đang sử dụng từ hàng ngàn đời nay, còn việc Việt hoá nếu không thận trong sẽ làm nghèo thêm tiếng Việt như nhà sử học Dương Trung Quốc nói !

Tháng nhuận được xác định dựa trên việc so sánh hai đại lượng là các điểm Sóc và Trung khí xem tháng nào không chứa Trung khí nên một khi hai đại lượng này lệch nhau (giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc) sẽ dẫn đến việc tháng nhuận trong lịch hai nước có thể khác nhau. Chẳng hạn năm 1984 lịch Việt Nam không có tháng nhuận còn ở lịch Trung Quốc có tháng 10 nhuận, hay năm 1987 ở lịch Việt Nam có tháng 7 nhuận, còn với lịch Trung Quốc là tháng 6 nhuận…

Trong công trình Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XXI (1901 - 2100) do NXB Văn hoá Thông tin phát hành năm 2005 chúng tôi liệt kê tất cả các ngày tháng, tiết khí, tết Nguyên đán, tháng nhuận khác nhau giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc kể từ khi có Quyết định của Chính phủ (1968) đến năm 2100.

Lịch Việt Nam được soạn như thế nào?

Tổ soạn lịch Nha Khí tượng được chuẩn bị thành lập từ năm 1959 dưới sự chỉ đạo của GS. Nguyễn Xiển. Vào năm 1967 (sau khi có Quyết định của Chính phủ) Nha Khí tượng công bố lịch Âm Dương Việt Nam soạn theo múi giờ 7 cho các năm từ 1968 đến 2000 (sách Lịch Thế kỷ XX). Sau đó Ban Lịch do ông Nguyễn Mậu Tùng phụ trách tiếp tục biên soạn lịch Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2010 in trong cuốn Lịch Việt Nam 1901 - 2010 (Nhà XB KHKT, 1992).

Khi chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới chúng tôi (Ban Lịch Nhà nước được tái thành lập năm 1998) đã tiến hành tính toán lịch Việt Nam thế kỷ 21 trong khuôn khổ một đề tài khoa học. Không biết các đồng nghiệp ở Đài Thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc) làm như thế nào nhưng chúng tôi đã sử dụng các mô hình thiên văn hiện đại và thu được kết quả đáng tin cậy.

Cụ thể đó là các mô hình VSOP82 (Variations Séculeires des Orbites Planétaires) và ELP-2000/82 (éphemérides Lunaires Parisiennes) của Văn phòng kinh độ Pari (Bureau des Longitudes, Paris), số liệu tính toán đã được so sánh với các dữ liệu của Đài Thiên văn Naval (Hoa Kỳ) và cho kết quả hoàn toàn khớp. Công trình của chúng tôi đã được một Hội đồng khoa học thông qua phần đầu và in trong quyển sách Lịch Việt Nam thế kỷ XX - XXI (1901-2100) (NXB Văn hoá Thông tin, 2005), trong quyển sách này chúng tôi cũng công bố số liệu về Nhật thực trông thấy ở các địa phương thuộc lãnh thổ Việt Nam trong thế kỷ 21.

Nguyên nhân các bất cập trong quản lý lịch

Việc xẩy ra lộn xộn xung quanh việc sử dụng Âm lịch không phải chỉ xẩy ra gần đây mà đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến năm nay dư luận quan tâm nhiều hơn vì từ năm 1998 đến năm 2005 giữa hai lịch Việt Nam và Trung Quốc không có khác biệt gì đáng kể ngoại trừ một số ngày chuyển tiết. Theo chúng tôi để những bất cập này xẩy ra là do các nguyên nhân sau:

- Ban Lịch Nhà nước không làm tròn bổn phận và trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cấp lãnh đạo. Ban Lịch đã chậm trễ trong việc công bố một lịch chuẩn quốc gia, sự chậm trễ này không hề phụ thuộc vào công tác chuyên môn mà hoàn toàn do các cản trở hành chính. Nhân đây tôi muốn nói thêm là khi nhận lỗi về mình, tôi không hề phát biểu hay viết một dòng nào (trong bài tham luận gửi cho các đại biểu) là cần giải tán Ban Lịch Nhà nước như trong bài tường thuật về buổi toạ đàm Lịch in tuỳ tiện.

- Các cơ quan hữu quan đã để nhiều cuốn lịch vạn niên dịch từ lịch Trung Quốc xuất hiện trên thị trường mà không thông tin đầy đủ với độc giả, điều này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc này có cả lỗi của các Nhà xuất bản và Ban Lịch (xẩy ra trường hợp người trong Ban Lịch đã viết lời giới thiệu cho một vài sách lịch vạn niên)! Về việc xuất bản các sách lịch vạn niên nhiều người bào chữa rằng đây là sách tham khảo, thậm chí có cuốn sau khi chép nguyên xi một số trang lấy từ sách của tác giả Việt Nam (nhưng không hề ghi chú !) thì toàn bộ bảng lịch được dịch từ sách Trung Quốc! Theo ý kiến của chúng tôi một cuốn sách mà chủ yếu là bảng số liệu để người dân tra cứu thì không thể dùng số liệu lịch của nước ngoài. Chí ít thì các tác giả và NXB hãy sửa lại phần số liệu lệch nhau cho đúng với lịch Việt Nam !

- Chúng ta đã không kịp thời phổ biến để mọi người hiểu đúng về Âm lịch, một di sản văn hoá do cha ông để lại và gắn bó hàng ngày với đời sống của người dân. Điều này nằm trong bối cảnh chung là kiến thức thiên văn hiện không được giảng dạy trong trường phổ thông. Sự thiếu hiểu biết kiến thức cơ bản đã dẫn tới việc có người tự in hàng nghìn trang giấy trong nhiều năm về việc cải tiến Âm lịch lẫn Dương lịch rồi đem gửi đi khắp nơi, đến cả các vị lãnh đạo trong và ngoài nước! Rốt cục Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải mất thời gian và tiền bạc để bác bỏ một công trình hoàn toàn vô bổ, không đúng một chút nào về mặt khoa học!

Và thời đại hiện nay một người ham thích môn vật lý hoàn toàn có thể tính được Mặt trời đi qua thiên đỉnh (Chính ngọ) tại địa phương mình mà không cần phải mất công đóng cọc đo bóng Mặt trời! - (trong cuốn sách của mình kể ở trên chúng tôi cũng công bố thời điểm Mặt trời mọc, lặn và đi qua thiên đỉnh ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh tại thời điểm 24 tiết trong năm). Hoặc nhiều người đã hiểu nhầm là "Ngày trăng tròn vẫn phải là ngày 15 của tháng âm lịch"…

Thực ra trong khi tính lịch người ta chỉ cố định ngày đầu tháng là ngày Sóc (Không trăng), còn ngày Trăng tròn không phải luôn rơi vào ngày 15, thí dụ ngày Trăng tròn tháng 7 (cả tháng 7 nhuận) và tháng 8 Âm năm nay đều rơi vào ngày 16, còn ở tháng 6 Âm trước đó thì lại rơi vào ngày 17… ! Chúng tôi có thể kể ra đây các thời điểm Trăng tròn trên để bạn đọc yêu thích thiên văn tham khảo: 10 giờ 01 phút ngày 11/7/2006 (tương ứng 17 tháng 6 Âm), 17 giờ 53 phút ngày 09/08/2006 (tương ứng 16 tháng 7 Âm), 01 giờ 41 phút ngày 08/09/2006 (tương ứng 16 tháng 7 nhuận Âm) và 10 giờ 12 phút ngày 07/10/2006 (tương ứng 16 tháng 8 Âm)… Chúng tôi hy vọng có dịp hoặc ai khác sẽ xuất bản một cuốn sách về các thuật toán thiên văn để đông đảo các bạn trẻ có thể tự mình tính toán, kiểm chứng Âm lịch, xác định vị trí các hành tinh cũng như các hiện tượng thiên văn thông thường khác.

  • Trần Tiến Bình
    (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
    Email: tienbinh@fpt.vn

Lịch năm 2008: Không được phép cung cấp số liệu sai!

(VietNamNet) - Chúng ta đã để người dân nhầm lẫn vì tra phải lịch nước ngoài bán tràn lan trên thị trường và nay lại tiếp tục để lộn xộn với lịch Việt Nam!


Đọc bài "Lịch Việt Nam 2008: Cọc cạch về tiết khí", tôi cho rằng, không thể biện minh cho việc cung cấp số liệu lịch sai với bất cứ lý do nào, dù rằng đó là số liệu đã được xét duyệt hay chưa được xét duyệt, đã được đóng dấu đỏ hay chưa được đóng dấu đỏ!

Số liệu lịch ít nhiều thể hiện bộ mặt khoa học, văn hoá của một quốc gia nên không thể làm tuỳ tiện theo ý một số người. Khi công bố cho cả nước, các sự kiện lịch sử sau này sẽ được ghi chép theo lịch hiện hành và cái sai sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta đã để người dân nhầm lẫn vì tra phải lịch nước ngoài bán tràn lan trên thị trường và nay lại tiếp tục để lộn xộn với lịch Việt Nam! Đã có thắc mắc từ nhiều người dân, thậm chí gửi đến cả Thủ tướng để hỏi về lịch và hiển nhiên mọi người sẽ đặt câu hỏi: Các cơ quan khoa học và quản lý làm gì nhiều năm nay với mỗi một vấn đề tưởng chừng như không có gì phức tạp này? Và trách nhiệm thuộc về ai?

Trở lại vấn đề số liệu tiết khí cọc cạch mà bài báo đã nêu, tôi xin giải thích thêm ở đây để độc giả không chuyên được rõ. Số liệu lịch Âm Dương gồm 2 phần chính: Ngày tháng Âm lịch và tiết khí. Để tính Âm lịch, cần phải tính ngày mồng 1 đầu tháng, biết ngày đầu các tháng thì sẽ biết các ngày tiếp theo, còn muốn biết đó là tháng mấy, có nhuận hay không thì cần phải tính tiết khí. Chẳng hạn điểm Đông chí luôn luôn rơi vào tháng 11 âm, có thể lấy đây làm căn cứ để đánh số các tháng âm khác.

Khi không tính chính xác tiết khí thì không tính được Âm lịch, do vậy, ở ta, có rất nhiều sách lịch sao chép hay gọi là "biên soạn" từ các tài liệu bên ngoài đều không chỉ rõ số liệu tiết khí. Chính vì không hiểu rõ cách tính cũng như bản chất của tiết khí trong lịch Âm Dương nên đã dẫn đến một số phát biểu không đúng về khái nhiệm này, chẳng hạn, việc cải tiến hay thay đổi tiết khí sẽ vô hình chung làm thay đổi âm lịch mà chúng ta đang sử dụng hiện nay!

Số liệu về tiết khí trong các sách lịch đang lưu hành ở ta khá lộn xộn, có sách không ghi ngày tiết khí mà chỉ đề cập chung chung, có sách chỉ ghi ngày tiết mà không ghi giờ chuyển tiết, có sách ghi số liệu tiết khí chính xác trong phạm vi 2 giờ, có sách ghi chính xác đến phút nhưng theo theo giờ Bắc Kinh và thậm chí các sách cùng in tiết khí theo giờ Trung Quốc cũng sai lệch nhau rất nhiều, đến hàng tiếng…

Để khắc phục tình trạng này, trong cuốn "Lịch Việt nam thế kỷ XX-XXI, 1901-2100" (Nxb Văn hoá Thông tin, 2005), chúng tôi đã công bố giờ chuyển tiết chính xác đến phút theo giờ Việt Nam cho các độc giả quan tâm, nhất là những người nghiên cứu Cổ học Phương đông như là Thời châm sử dụng. Căn cứ để chúng tôi mạnh dạn đưa ra các số liệu này là các mô hình, phương pháp thiên văn hiện đại được sử dụng trong tính toán, là dựa trên hàng ngàn sự đối chiếu, so sánh với các kết quả đáng tin cậy khác (như của Đài Thiên văn Naval, Hoa Kỳ).

Cụ thể bảng sau trình bày số liệu tính toán một số giờ chuyển tiết của chúng tôi và của Đài thiên văn Naval trong năm 2008 sắp tới (theo giờ Việt Nam):

Tiết khí

Ngày/Tháng

Naval

Kết quả của chúng tôi

Xuân phân

20/03

12 giờ 48ph

12 giờ49ph

Hạ chí

21/06

06 giờ59ph

07 giờ 00ph

Thu phân

22/09

22 giờ 44 ph

22 giờ 45 ph

Đông chí

21/12

19 giờ 04 ph

19 giờ 04 ph

Không chỉ riêng chúng tôi mà anh Hồ Ngọc Đức ở Cộng hoà Liên bang Đức (http://www.informatik.uni-leipzig.de/) hay GS. Edward M. Reingold, một chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch (Professor Edward M. Reingold, Illinois Institute of Technology, Chicago, U.S.A.) trong thư gửi gần đây cho chúng tôi cũng công bố các kết quả tương tự. Về 2 tiết cọc cạch mà Trung tâm Thông tin Tư liệu cung cấp cho các nhà xuất bản thì kết quả của chúng tôi và của anh Hồ Ngọc Đức là:

Tiết khí

Ngày/Tháng

Kết quả của chúng tôi

Hồ Ngọc Đức

Đại hàn

20/01

23 giờ giờ 44ph

23 giờ43ph

Cốc vũ

19/04

23 giờ52ph

23 giờ 50ph

Có thể thấy, do thời điểm chuyển tiết rơi vào gần nửa đêm nên các tính toán cũ kém chính xác hơn đã nhầm sang ngày hôm sau! Đây không phải là sai sót duy nhất nhưng đối với những việc đã xảy ra trong quá khứ thì chúng ta đành chấp nhận sự thật lịch sử, còn đối với số liệu tương lai như năm 2008 thì không thể bỏ qua! Không lẽ vì thiếu một Hội đồng xét duyệt, thiếu con dấu đỏ mà chúng ta vẫn chấp nhận các số liệu kém chính xác (Hội đồng khoa học cuối cùng xét duyệt về lịch là năm 1992)! Và điều trái khoáy này đã diễn ra gần 10 năm nay ở Ban Lịch Nhà nước (nay gọi là Phòng Nghiên cứu Lịch), thật sự không hiểu nổi các nhà quản lí?

Trần Tiến Bình
(Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Chuẩn số liệu lịch 2008: Muộn còn hơn không

(VietNamNet)- Nhà quản lý thì chưa thể tự mình khẳng định số liệu nào là chính xác nhất, tiên tiến nhất, vậy thì, trước đây cũng như giờ đây – tuy đã muộn – nên sớm lập một Hội đồng khoa học như ông Tùng đề nghị: “Muộn còn hơn không”.

PGS-TS Lê Thành Lân.
Trước tiên, để khỏi có sự hiểu lầm, tôi xin thanh minh, tôi chỉ là một người nghiên cứu độc lập về lịch và rất nặng lòng với lịch cổ của dân tộc. Tôi biết rằng việc quản lý về lịch, tính lịch cho tương lai và công bố các số liệu lịch cụ thể cho năm tới là nhiệm vụ (còn là quyền hạn và trách nhiệm) của Ban lịch Nhà nước (BLNN) trước đây mà mới rồi được đổi tên thành Phòng nghiên cứu lịch (PNCL) và cơ quan cấp trên trực tiếp là Trung tâm thông tin tư liệu (TTTTTL). Tôi không bận tâm lắm về công việc của họ. Nhưng với sở trường của mình, trước khi bàn chuyện hôm nay, tôi muốn cùng độc giả ôn lại chuyện xưa.

Cố học giả Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh rằng: từ thời Lý, cụ thể từ năm 1080 lịch ta đã khác lịch Trung Quốc. Bản thân tôi đã phát hiện ra lịch Việt Nam từ năm 1544 đến năm 1903 trong ba cuốn lịch cổ được các cơ quan làm lịch xưa tính toán, biên soạn và in ấn theo lệnh nhà vua hiện còn ở các thư viện. Theo gương cha ông, từ năm Mậu Thân – 1968 ta lại bắt đầu soạn lịch riêng cho các năm tới sau hơn 20 năm gián đoạn không soạn lịch (từ năm Ất Dậu – 1945 đến năm Đinh Mùi – 1967).

Ngày xưa các lịch quan thường tính lịch cho nhiều năm sau, thậm chí hàng chục, hay hàng trăm năm, đó là lịch dự soạn, lịch này chỉ có tính khoa học, ghi vào các cuốn “Tích niên lịch”, tức là lịch của nhiều năm. Nguyên sách ấy thường gọi là “Vạn niên lịch”, nhưng sau này do kỵ húy vua Càn Long nhà Thanh có tên là Hoằng Lịch nên đổi gọi là “Vạn niên thư”.

Loại này có khi còn gọi là “Bách niên lịch” hoặc “Nhị bách niên lịch” tùy theo dung lượng lịch của nó cụ thể là 100 năm hay 200 năm. Đó là loại thứ nhất; còn loại thứ hai của “Tích niên lịch” thường gọi là Bách trúng kinh, tập hợp lịch các năm đã qua, tức là các lịch từng được ban bố, đương thời từng được sử dụng.

Theo chúng tôi được biết, ở Hà nội, thuộc loại một hiện có cuốn “Khâm định vạn niên thư” do Khâm thiên giám triều Nguyễn soạn và khắc in vào năm 1850 và cuốn “Thành Thái bách niên lịch 1889-1988” do Lê Hữu Ích soạn vào giữa đời Thành Thái, khoảng năm 1900. Ở cuốn “Khâm định vạn niên thư”, lịch từ năm 1544 đến năm 1850 là lịch từng được dùng ở đương thời, còn lịch từ năm 1850 đến năm 1903 chỉ là lịch dự soạn.

Thuộc loại thứ hai có cuốn “Bách trúng kinh” được khắc in vào thời Lê và cuốn “Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh” được Viễn Đông Bác cổ Pháp cho chép vào khoảng các năm 1904-1907.

Cuốn “Hoàng triều Minh Mệnh vạn niên thư, Nguyên Hòa 12 niên – Tự Đức 15 niên (1544-1861)” mà Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng từng đọc vào những năm sáu mươi thế kỷ trước được khắc in vào năm Bính Thân – 1836. Ở đấy, người xưa soạn sẵn lịch cho 25 năm sau. Cuốn “Khâm định vạn niên thư”, ký hiệu R2200 ở thư viện Quốc gia được khắc in vào năm 1850, in lịch nước ta từ năm 1544 đến năm 1903, đã soạn sẵn lịch cho 53 năm sau. Những con số 25 năm hay 53 năm đã nói lên tầm nhìn xa của người xưa.

Ở đây tôi xin liên hệ ngay: Năm 1967, ta công bố lịch cho các năm từ Mậu Thân – 1968 đến năm Canh Thìn – 2000, tức là soạn sẵn cho 33 năm sau. Tiếp theo, dường như còn muốn dành việc cho người sau, trước khi về hưu, năm 1992, nguyên Trưởng Ban lịch Nhà nước Nguyễn Mậu Tùng đã soạn thêm lịch của 10 năm, từ năm Tân Tị - 2001 đến năm Canh Dần – 2010 đã được Hội đồng nghiên cứu và xét duyệt lịch Nhà nước thông qua ngày 26/6/1992 in trong cuốn “Lịch Việt Nam 1901-2010”.

Như vậy là có lịch soạn sẵn cho 18 năm sau. Từ năm 1998 Ban Lịch Nhà nước đã có một đề tài trong đó có nội dung biên soạn lịch Việt Nam thế kỷ 21. Phần lịch do Thạc sĩ Trần Tiến Bình biên soạn nằm trong đề tài này, đã được một Hội đồng Khoa học của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia nghiệm thu vào năm 2001, sau này ông in trong cuốn “Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2100)”, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2005.

Không biết vì nguyên nhân nào ngoài khoa học mà đề tài của Thạc sĩ Trần Tiến Bình nhiều năm không thành lập được Hội đồng Khoa học để xét duyệt lịch cho những năm từ 2011 về sau. Đặc biệt là vào năm 2002, một dự thảo văn bản thành lập Hội đồng khoa học để xét duyệt lịch đã được Giáo sư Đặng Vũ Minh ký mà cũng bị cấp dưới ém đi, không hoàn tất được để thi hành! Vào lúc đó, nếu Hội đồng được lập thì công trình của ông Bình là một “ứng cử viên” sáng giá và chúng ta đã sớm có một lịch cho nhiều năm tới.

Nay đã là năm 2007 mà chưa xét duyệt được lịch cho 4 năm sau là năm 2011. Thật xấu hổ với người xưa. Đã nhiều lần, từ năm 2001 cho đến giữa năm ngoái, tôi đã có ý kiến về việc này qua các thư phản ảnh, thư kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về tân Trưởng phòng Phòng nghiên cứu lịch Trịnh Tiến Điều và cả ông Đoàn Dũng, Giám đốc TTTTTL – người chịu trách nhiệm về nền lịch pháp Việt Nam hiện nay.

Ngày xưa, hàng năm, các lịch quan theo các cuốn “Vạn niên thư” đã soạn sẵn mà rà soát kỹ lại lịch năm tới, tính thêm các ngày tốt xấu, Tiết khí, giờ chuyển tiết … sau đó trình lên nhà vua. Lịch được vua duyệt, mới được đem khắc in gọi là “Niên lịch” để cuối năm nhà vua thay Trời Đất ban bố lịch Âm cho quan dân dùng, ban Tiết khi cho dân cày cấy. Như vậy là theo lệ xưa, hàng năm đều có việc xem xét, chỉnh sửa lịch thậm chí sau khi đã ban bố “Niên lịch” mà còn phát hiện sai như sự kiện xảy ra vào năm Kỷ Dậu – 1849 thì vẫn sửa lại như chúng tôi đã nêu trong bài “Số liệu lịch 2008 cọc cạch về Tiết khí?” đăng tải ngày 27/05/2007. Việc này có ghi trong “Đại Nam thực lục”, Tập XXVII, trang 161.

Theo tôi được biết, vì có nhiều Nhà xuất bản có công văn hỏi Cục Xuất bản về số liệu lịch năm 2008 khiến người ta phải bàn lại số liệu này, nên vừa rồi có một cuộc họp tổ chức vào chiều ngày 14/6/07, nhưng xem chừng cuộc họp đó đã không đạt yêu cầu vì bị lái theo một hướng khác.

Thay vì cần bàn xem: nên dùng bộ số liệu nào cho chuẩn thì ông Dũng, người chuẩn bị nội dung cuộc họp đã hướng vào chứng minh số liệu mình đưa ra là đã được phê duyệt từ trước.

Ngay thành phần cũng được mời theo chiều hướng đó. Cuộc họp bao gồm hầu hết là các nhà quản lý, duy nhất chỉ có ông Nguyễn Mậu Tùng – nguyên Trưởng Ban Lịch Nhà nước là nhà nghiên cứu lịch được dự. Ông Tùng cho biết, ông đã 78 tuổi rồi, đã nghỉ hưu 16 năm, nay mệt mỏi và ốm yếu lắm, vừa mổ mắt ở bênh viện Mắt về vào buổi sáng thì được mời đi họp ngay vào buổi chiểu, không được thông báo trước nội dung cuộc họp, nên chẳng biết gì để chuẩn bị, đến nơi chẳng thấy bạn hữu chuyên môn nào, nên cuối cùng ông cũng không nắm được rõ mục đích và kết luận của cuộc họp.

Nghe ông Tùng kể lại thì dường như cuộc họp chỉ nhằm khẳng định số liệu mà ông Dũng cấp ra là số liệu đã được thông qua từ năm 1992. Nếu có đúng như vậy thì số liệu đó càng lạc hậu nhiều so với tiến bộ khoa học của thế giới và cả của Việt Nam trong lĩnh vực này. Cuộc họp đã không hề quan tâm đến vấn đề cốt yếu là: nên chọn bộ số liệu nào cho thật sự khoa học, cho cập nhật, cho giới khoa học trong nước tâm phục khẩu phục, cho giới khoa học nước ngoài không chê cười vào đâu được.

Có thể cuộc họp đó đã làm thỏa mãn ông Dũng vì ông thanh minh “được” rằng mình đã lấy số liệu từ sách của ông Tùng chứ không phải là chọn một cách tùy tiện, cọc cạch.. Tuy tôi không rõ cuộc họp đó đã đi đến kết luận gì, nhưng tôi chắc rằng với cách làm ấy, nếu cứ quyết định in lịch theo số liệu của ông Dũng thì lịch in ra vẫn lâm vào tình trạng bị chỉ trích. Bởi điều căn bản là số liệu của ông Dũng không cập nhật, quá lạc hậu so với tiến bộ của khoa học. Mà trong thời đại “bùng nổ” thông tin hiện nay, “một ngày bằng 20 năm”, không cập nhật là lạc hậu, là không thể chấp nhận được. Theo tôi, cuộc họp không thành công.

Ông Tùng có nêu ý kiến là, giờ đây nên họp một Hồi đồng chuyên môn để tư vấn cho nhà quản lý quyết định số liệu lịch năm 2008, chứ một mình ông, đã nghỉ hưu lâu rồi không thể thay mặt giới chuyên môn mà nói lên tiếng nói quyết định trong vấn đề này được.

Tôi nghĩ rằng, ý kiến đó của ông Tùng là rất đúng. Riêng tôi chỉ là người nghiên cứu độc lập, không có trách nhiệm gì, chỉ quan tâm nhiều đến lịch cổ xa xưa và cũng còn vì một vài lý do riêng tư khác, tôi sẽ không tham gia Hội đồng chuyên môn sẽ lập này; nên tôi muốn qua diễn đàn này bày tỏ quan điểm riêng của mình, may ra có thể làm tài liệu tham khảo cho một vài thành viên của Hội đồng này chăng.

Sau bài viết của tôi “Số liệu lịch 2008 cọc cạch về Tiết khí?” đăng tải vào ngày 27/5/07, ông Đoàn Dũng cho biết ông lấy số liệu về lịch ở cuốn “Lịch Việt Nam 1901-2010” của Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng, in lần thứ 2 vào năm 2001, Nxb KH&KT. Có lẽ đó cũng là ý kiến chính được ông Dũng thuyết trình với tư cách là người chuẩn bị cho cuộc họp vừa nêu và trở thành nội dung chính của cuộc họp đó.

Ta hãy xem trong “Lời tác giả (Lần xuất bản thứ hai)”, ông Tùng viết: “Ngoài ra, cũng trong lần in này, chúng tôi có thêm được nguồn tư liệu mới của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế nên đã chính xác hóa một số ngày tiết của những năm đầu thế kỷ XXI và đính chính một số lỗi về ấn loát trong lần xuất bản trước”.

Như vậy là ông Tùng đã làm 2 việc rất nghiêm túc: một là, “đính chính lại một số lỗi về ấn loát” – một việc làm mang tính khoa học và cầu thị mỗi khi sách được tái bản; hai là: “chính xác hóa một số ngày tiết” – là việc cập nhật tri thức khoa học rất cần thiết và đáng trân trọng. Thuộc phạm vi chúng ta đang bàn, ông Tùng đã sửa Tiết khí Cốc vũ từ ngày 20/4/2008 (lần in thứ nhất vào năm 1992, trang 242) thành ngày 19/4/2008 (in lần 2, năm 2001, trang 248).

Ở đây, cái ngày “19/4/2008” ấy có hai khả năng: Một là nếu nó được cập nhật, thì niên đại của nó là năm 2001, chưa qua lâu, nhưng chưa được duyệt. Hai là nếu nó được sửa do trước đây in ấn sai, thì niên đại của nó cùng với ngày “21/1/2008” là quá lâu, vào năm 1992, khiến cho con số “21/1/2008” là quá “lạc hậu” so với con số “20/1/2008” của các tác giả khác.

Nếu xét một cách nghiêm túc, cho dù ở đó có là việc “sửa lỗi ấn loát” đi nữa, nhưng không ghi chú rõ tại chỗ, thì về hình thức và nguyên tắc số liệu này cũng không được coi là thuộc bộ số liệu đã được Hội đồng nghiên cứu và xét duyệt lịch Nhà nước thông qua vào ngày 26/6/1992. Về nguyên tắc số liệu năm 2001, được sửa sau lần in và duyệt vào năm 1992 là bình đẳng về pháp lý với các bộ số liệu chưa được duyệt khác.

Nhưng nói cho cùng vấn đề được duyệt hay chưa được duyệt chỉ là nhằm biện minh cho ông Dũng đã chọn số liệu theo cách nào; mà điều đó không quan trọng bằng những số liệu đó có “sốt dẻo – cập nhật – thời sự” hay không? Bởi đó mới là tiêu chuẩn cao nhất của khoa học. Độc giả và các nhà xuất bản cần biết và mong mỏi điều đó. Vậy mà cuộc họp trên không giải đáp câu hỏi đó, không đáp ứng yêu cầu đó, nên xét cho cùng nó không thành công.

Tại sao, ngày xưa vua Tự Đức dám quyết sửa lại lịch cho đúng, cho dù lịch đã in ra, đã ban phát mà ngày nay ta lại không dám cập nhật, chọn lấy những gì là tinh túy nhất của khoa học hiện đại, khi lịch còn chưa in? Tất nhiên là nhà quản lý thì chưa thể vội tự mình khẳng định số liệu nào là tinh túy, hiện đại, cập nhật. Vậy thì, trước đây cũng như giờ đây – tuy đã muộn – nên sớm lập một Hội đồng khoa học như ông Tùng đề nghị. “Muộn còn hơn không”.

Đúng ra, ngay từ đầu năm, ông Dũng nên đề xuất ngay việc xin ý kiến một Hội đồng khoa học thì đâu đến nỗi bây giờ có chuyện phải bàn. Đó là sai lầm thứ nhất về quản lý của ông Dũng. Còn nếu muộn hơn thì: ngay sau khi có dư luận, ta xúc tiến ngay việc lập Hội đồng khoa học thì có lẽ bây giờ cũng đã gần đi đến được kết luận cuối cùng rồi. Đó là sai lầm thứ hai về quản lý của ông Dũng. Đáng tiếc cuộc họp vừa rồi vẫn còn xoay quanh việc biện minh cho ông Dũng là không tùy tiện. Nêu bây giờ mà ông Dũng vẫn không dựa vào một Hội đồng khoa học thì sẽ là sai lầm thứ ba về quản lý. “Quá tam ba bận”. Sai lầm cuối cùng này sẽ không gỡ được.

Về phần mình, tôi muốn tham khảo thêm các dữ liệu để có thể bày tỏ ý kiến riêng của mình.

Trong bài “Lịch năm 2008: Không được cung cấp số liệu sai!” đăng tải trên VietNamNet, ngày 31/5/2007, Thạc sĩ Trần Tiến Bình có cung cấp thêm số liệu của ông Hồ Ngọc Đức, hiện ở CHLB Đức, công bố trên Website của mình (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/).. So với số liệu của ông Bình, chỉ lệch nhau khoảng 2 phút, nhưng quan trọng là về ngày Tiết khí thì hoàn toàn giống nhau.

Để có một dữ liệu đủ tin, tôi hỏi Giáo sư Edward M. Reingold – một chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch pháp hiện nay - ở Viện Công nghệ Illinois, Chicago, Hoa Kỳ. Giáo sư đã gửi cho tôi lịch ông tính theo múi giờ 7 của VN năm 2008. Tôi thấy các Tiết khí hoàn toàn giống với lịch của Hồ Ngọc Đức. Nhân thể, tôi cũng muốn thông báo rằng, GS Reingold rất quan tâm đến lịch Việt Nam, trước đây, ông đã tính lịch theo múi giờ 7 của Việt Nam cho thế kỷ XX và XXI, và thông báo với tôi rằng, kết quả của ông về lịch thế kỷ XXI trùng với của Trần Tiến Bình trong cuốn “Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI (1901-2100)”, Nxb VH-TT, 2005, nhưng ông nhận thấy cuối thế kỷ XX, lịch năm Đinh Sửu – 1997: tháng Mười một nên là thiếu, tháng Chạp nên là đủ, còn lịch của ta tính không chính xác, ngược lại với số liệu trên.

Tôi đã thông báo lại với Giáo sư rằng, đó là số liệu được tính từ năm 1967, còn vào năm 2005, ông Trần Tiến Bình có tính lại, đã phát hiện sự thiếu chính xác này và ghi chú ở trang 69 sách vừa dẫn, chỉ có điều, việc đó đã đi vào “quá khứ lịch sử” nên chúng ta đành phải chấp nhận sự thiếu chính xác đó mỗi khi tra cứu. Liệu ta có nên để đến một lúc nào đó các nhà khoa học nước ngoại lại hỏi: số liệu lịch năm 2008 của các ông không chính xác?

Như vậy, đối với tôi, tôi xem như số liệu của Trần Tiến Bình đã được sự phản biện không chính thức của một học giả nước ngoài, của một nhà khoa học VN tại nước ngoài.

Chúng tôi xin lập thành bảng cho dễ nhìn:

Tiết khí

NMTùng 1

NMTùng 2

T T Bình

Hồ N Đức

Reingold EM

Đoàn Dũng

Đại hàn

21-1-2008

21-1-2008

20-1-2008

20-1-2008

20-1-2008

21-1-2008

Cốc vũ

20-4-2008

19-4-2008

19-4-2008

19-4-2008

19-4-2008

19-4-2008

Năm công bố

1992

2001

2005

2007

2007

2007

Duyệt chưa?

Đã

Chưa

Chưa

Chưa

Tính toán?

Không

Bây giờ, tôi xin nêu ý kiến riêng, rất chủ quan của mình là: chúng ta nên học tập người xưa: thật sự cầu thị, dùng cái gì tiên tiến nhất, cập nhật, không nên bảo thủ rồi dùng những kết quả tính toán cũ với một phương pháp quá cũ. Tức là nên theo số liệu của Thạc sĩ Trần Tiến Bình.

Ông Tùng còn cho biết, trong cuộc họp trên có ý kiến: sắp tới đây sẽ duyệt lịch Việt Nam cho 10 năm từ 2011 đến 2020. Về chuyện này, tôi cũng muốn nói luôn ý kiến riêng, chủ quan của mình là: nên nhìn xa một chút, duyệt luôn lịch cho đến năm 2100. Bởi đến bây giờ, GS Reingold cũng đã tính lịch VN đến năm đó. Ta còn thấy Trung Quốc đã công bố lịch thế kỷ XXI và thậm chí lịch này đã được dịch sang tiếng Việt bởi Lê Khánh Trường và bán đầy trong các hiệu sách. GS Reingold có tặng tôi cuốn “Calendrical Tabulations 1900-2200”, ở đó in 10 lịch khác nhau, có lịch TQ 300 năm, tức là đến năm 2200. Ông còn muốn đưa lịch Việt Nam (đúng hơn là lịch múi giờ 7 – vì lịch đó chưa được Hội đồng của ta duyệt) vào sách của mình khi tái bản. Nếu vậy là, lịch múi giờ 7 sẽ có thể được người nước ngoài công bố trước ta. Bởi thế, ta không nên làm ăn quá “cò con”.

Cuộc họp vừa rồi với một ý đồ rõ rệt đã diễn ra rất chóng vánh, khiến tôi nghĩ đến việc lập và họp một Hội đồng khoa học tuy có khó hơn một chút ít, nhưng nếu không bị ai đó cố tình ngăn cản như năm 2002 và đừng luẩn quẩn ở mục tiêu cố gắng bảo vệ và tìm cách biện minh cho những số liệu đã trót cung cấp cho các Nhà xuất bản mà quyết tâm làm lại từ đầu với tinh thần cầu thị và khoa học thì chắc chắn Hội đồng Khoa học đã được lập và cũng gần làm xong nhiệm vụ của nó.

Tôi xem như đây là một bức thư ngỏ gửi tới các thành viên của Hội đồng Khoa học sẽ họp để quyết định số liệu lịch năm 2008 mà tôi không có điều kiện tham gia. Mong được độc giả cho thêm ý kiến và được các thành viên của Hội đồng sắp họp tham khảo.

Hà nội, 18/06/2007

  • PGS-TS Lê thành Lân
    lethanhlan@yahoo.de

Mua Lịch Tết - Lịch Sơn Phủ - quà độc đáo dịp năm mới



Mua Lịch Tết không chỉ là một thói quen với người tiêu dùng Việt mỗi dịp năm hết Tết đến mà còn là dịp để họ trang trí lại nhà cửa cũng như nhìn lại thành quả của một năm làm việc đã qua. Chính vì vậy, lịch Tết còn là món quà để tặng nhau, gia tăng mối thâm giao giữa những người bạn, giữa doanh nghiệp với bạn hàng và là dịp để Văn hóa Việt lên ngôi.

Chọn một tấm lịch Tết để đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà không phải là điều dễ. Bởi lịch luôn hiện diện trong không gian của bạn, dù là nơi giao tiếp, làm việc hay nghỉ ngơi. Người dễ tính, tấm lịch thế nào cũng được. Nhưng với những người cầu kỳ thì cố tìm cho được một sản phẩm thật độc đáo, để mỗi khi tiếp đãi bạn bè còn tự hào về “gu” thưởng thức của mình. Và vì thế, ngày càng có nhiều sản phẩm độc đáo đáp ứng những yêu cầu đó.

Lịch tết 2007 Gốm Phủ Sơn Đồng, một sản phẩm thủ công mà theo như những nghệ nhân làm ra nó thì “bản thân sản phẩm Lịch tết 2007 Gốm Phủ Sơn Đồng đã mang trong nó giá trị nguồn cội Việt, cái thần của bản sắc Việt ta đã được nhập vào trong đó”. Đột phá trong thiết kế sáng tạo chứa đựng giá trị nguồn cội Việt, Lịch tết 2007 Gốm Phủ Sơn Đồng được người thợ thủ công đã khéo léo tạo hợp từ nguyên liệu gốm của làng cổ Bát Tràng và sơn thếp quê của làng tạc tượng Sơn Đồng nổi tiếng. Ánh hào quang mà bản lịch phản chiếu do được sơn thếp dưới lớp bạc dát mỏng có thể duy trì độ bền tới 25 năm. Các hình tiết được làm bằng gốm Bát Tràng phủ sơn thếp làng Sơn Đồng như: lá dáy, quả mướp, con dơi, chùm nho… đã đa dạng các chọn lựa phù hợp với văn hóa, quan niệm lưỡng nghi của người Việt Nam.

Là sản phẩm của làng nghề truyền thống và được cung cấp độc quyền, lần đầu trên thị trường lịch bloc bởi công ty VN.design, Lịch Sơn Phủ sẽ là món quà độc đáo trong dịp năm mới mà người tặng còn gửi vào trong đó mối thâm tình, thâm giao cũng như lời chúc một năm mới an khang thịng vượng tới người nhận

Hệ số can chi và lục thập hoa giáp

Hệ số can chi:

Hệ số quan trọng nhất trong lịch pháp phương Đông là hệ số 10 (thập can), hệ số 12 thập nhị chi, hệ số 60 tức lục thập hoa giáp, 6 chu kỳ hàng chi kết hợp với 10 chu kỳ hàng can 6x10=60 (lục giáp).

Thập can( tức là 10 thiên can): theo thứ tự:

1 - Giáp

2 - Ất

3 - Bính

4 - Đinh

5 - Mậu

6 - Kỷ

7 - Canh

8 - Tân

9 - Nhâm

10 - Quý

Thập nhị chi (12 địa chi): theo thứ tự:

1 - Tý

2 - Sửu

3 - Dần

4 - Mão

5 - Thìn

6 - Tỵ

7 - Ngọ

8 - Mùi

9 - Thân

10 - Dậu

11 - Tuất

12 - Hợi

Can chi nào là số lẻ là dương, can chi nào là số chẵn là âm. Dương can chỉ kết hợp với dương chi, âm can chỉ kết hợp với âm chi.

Sự kết hợp hàng can với ngũ hành và tứ phương

Giáp

: Dương mộc

Phương Đông

Ất

: Âm mộc

Phương Đông

Bính

: Dương hoả

Phương Nam

Đinh

: Âm Hoả

Phương Nam

Mậu

: Dương Thổ

Trung ương

Kỷ

: Âm thổ

Trung ương

Canh

: Dương Kim

Phương Tây

Tân

: Âm Kim

Phương Tây

Nhâm

: Dương Thuỷ

Phương Bắc

Quý

: Âm Thuỷ

Phương Bắc

Sự kết hợp hàng chi với ngũ hành và tứ phương:

Hợi

: Âm Thuỷ

Phương Bắc

: Dương Thuỷ

Phương Bắc

Dần

: Dương mộc

Phương Đông

Mão

: Âm mộc

Phương Đông

Ngọ

: Dương hoả

Phương Nam

Tỵ

: Âm Hoả

Phương Nam

Thân

: Dương Kim

Phương Tây

Dậu

: Âm Kim

Phương Tây

Sửu

: Âm thổ

Phân bố đều bốn phương

Thìn

: Dương Thổ

Phân bố đều bốn phương

Mùi

: Âm thổ

Phân bố đều bốn phương

Tuất

: Dương Thổ

Phân bố đều bốn phương

Can chi tương hình, tương xung, tương hại, tương hoá, tương hợp;

Tương hình(xấu) (chỉ tính hàng chi):

Trong 12 chi có 8 chi nằm trong 3 loại chống đối nhau:

1.Tý và Mão Chống nhau

2. Dần, Tỵ và Thân Chống nhau

3. Sửu, Mùi và Tuất Chống nhau

Và hai loại tự hình: Thìn chống thìn, Ngọ chống Ngọ (chỉ có Dậu và Hợi là không chống ai)

Tương xung (xấu) hàng can có 4 cặp tương xung (gọi là tứ xung).

Giáp (Phương Đông) xung với Canh (Phương Tây) đều Dương

Ất (Phương Đông) xung với Tân (Phương Tây) đều Âm.

Bính (Phương Nam) xung với Nhâm(Phương Bắc) đều Dương.

Đinh (Phương Nam) xung với Quý (Phương Bắc) đều Âm.

Hàng chi có 6 cặp tương xung (gọi là lục xung):

1 - Tý xung

7 - Ngọ (đều Dương và Thuỷ Hoả xung khắc)

2 - Sửu xung

8 - Mùi (đều Âm)

3 - Dần xung

9 - Thân (đều Dương và Kim Mộc xung khắc)

4 - Mão xung

10 - Dậu (đều Âm và Kim mộc xung khắc)

5 - Thìn xung

11 -Tuất (đều Dương)

6 - Tỵ xung

12 - Hợi (đều Âm và Thuỷ Hoả xung khắc)

  • Phương Đông Tây Nam Bắc đối nhau.
  • Khí tiết nóng lạnh khác nhau.

o Tương hại (xấu) có 6 cặp hàng chi hại nhau:

1. Tý - Mùi
2. Sửu – Ngọ
3. Dần - Tỵ

4. Mão - Thìn
5. Thân - Hợi
6. Dậu - Tuất

o Tương hoá (tốt) theo hàng can có 5 cặp tương hoá (đối xứng nhau).

1. Giáp-Kỷ hoá Thổ (âm dương điều hoà).

2. Ất-Canh hoá Kim (âm dương điều hoà).

3. Bính-Tân hoá Thuỷ (âm dương điều hoà).

4. Đinh-Nhâm hoá Mộc (âm dương điều hoà).

5. Mậu-Quý hoá Hoả (âm dương điều hoà).

Tuy phương đối nhau nhưng một âm một dương, âm dương điều hoà trở thành tương hoá, hoá để hợp.

o Tương hoá (tốt): Trong 12 chi có hai loại: lục hợp và tam hợp.

Lục hợp:

Tý và Sửu hợp Thổ.

Dần và Hợi hợp Mộc.

Mão và Tuất hợp Hoả.

Thìn và Dậu hợp Kim.

Thân và Tỵ hợp Thuỷ.

Ngọ và Mùi : thái dương hợp thái âm.

Thuyết “ Tam mệnh thông hội” giải thích rằng: hễ hoà hợp, âm dương tương hoà, thì khí âm khí dương hợp nhau. Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là 6 dương chi gặp Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi 6 âm chi. Một âm một dương hoà hợp với nhau.

Tam hợp có 4 nhóm : cách 3

1. Thân Tý, Thìn hợp Thuỷ.

2. Hợi, mão, Mùi hợp mộc.

3. Dần, Ngọ, Tuất hợp Hoả.

4. Tỵ, Dậu, Sửu hợp Kim.